Hậu tranh chấp Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam

Sau khi Ban Hội thẩm ban hành phán quyết, Hoa Kỳ không kháng cáo, các nội dung của khuyến nghị chung được tiến hành, kết thúc 18 tháng tranh chấp về pháp lý của vụ việc Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam.[46] Ngày 27 tháng 9 năm 2011, tại cuộc họp của Cơ quan Giải quyết tranh chấp, Hoa Kỳ ra thông báo về kế hoạch thực thi khuyến nghị, phán quyết của DSB để tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng không thực thi trực tiếp mà cần một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện thay đổi.[47] Ngày 31 tháng 10 năm 2011, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thông báo lên DSB về việc hai bên nhất trí khoảng thời gian hợp lý để Hoa Kỳ thực hiện các khuyến nghị và phán quyết là 10 tháng, theo đó, khoảng thời gian này sẽ hết hiệu lực vào 2 tháng 7 năm 2012. Trên thực tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện việc điều tra, rà soát hành chính về chống bán phá giá, áp thuế đối với các doanh nghiệp Việt Nam về mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh trong những năm tiếp theo,[48] dẫn đến Việt Nam tiếp tục yêu cầu tham vấn và phát sinh vụ việc Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam II từ 2012. Tròn bốn năm giai đoạn từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 7 năm 2016, Hoa Kỳ đã nộp 48 báo cáo về tiến trình thực hiện khuyến nghị chung lên DSB,[49] sau đó, ngày 18 tháng 7 năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh và Trợ lý Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Barbara Weisel đã ký kết thỏa thuận về việc hai bên đã tìm được giải pháp thống nhất về việc thực thi khuyến nghị chung trong cả hai vụ Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam.[50]

Sau vụ việc, phía Việt Nam có những đánh giá về quá trình, kết quả và sự tác động của tranh chấp này đối với chính Việt Nam. Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam là vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam khởi xướng với tư cách người đi kiện – nguyên đơn trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới. Hầu hết các đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thương mại, luật gia Việt Nam đều cho rằng vụ kiện được xem là thành công khi lựa chọn vấn đề để khiếu kiện là biện pháp, phương pháp, thông lệ mà Hoa Kỳ áp dụng cho tất cả các cuộc điều tra trong quá khứ hoặc xu hướng trong tương lai,[51] có liên quan tới nhiều nước và nhiều vụ kiện có kết quả, và kết quả vụ kiện đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm thiểu thiệt hại với chính sách chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Việc Ban Hội thẩm chấp nhận khiếu kiện về Zeroing,[52] tuyên phương pháp này của Hoa Kỳ vi phạm điều ước quốc tế là phù hợp với các tiền lệ trong nhiều vụ tranh chấp trước đây trong khuôn khổ WTO về vấn đề này.[53] Các bên đánh giá rằng, sau nhiều phán quyết cáo buộc vi phạm, Hoa Kỳ đã phải dỡ bỏ phương pháp Zeroing trong điều tra ban đầu cho tất cả các vụ việc, tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa chấp nhận dỡ bỏ hoàn toàn phương pháp này trong điều tra rà soát hành chính[54] (chỉ dỡ bỏ đối với các vụ việc cụ thể đã bị kiện ra WTO và bị tuyên vi phạm).[55][56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoa Kỳ – Tôm Việt Nam //www.worldcat.org/issn/1859-2953 //www.worldcat.org/issn/1859-3879 http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tin... http://lapphap.vn/Upload/AnPham/So-16-2011.pdf http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx... https://web.archive.org/web/20171209120930/https:/... https://web.archive.org/web/20220302234826/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015939/https:/... https://web.archive.org/web/20220403015954/https:/...